Wednesday, April 11, 2007

Với Các Mác, cuộc sống là dòng chảy luôn vận động


Chúng ta kỷ niệm 188 năm ngày sinh của Các Mác vào lúc mà Đại hội X của Đảng đề ra nhiệm vụ “tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đẩy mạnh công nghiệp hoá , hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức”. Xin giới thiệu bài viết của GS Tương Lai.



Trong bối cảnh thời đại thế kỷ XXI, được mệnh danh là “thời đại của bộ não”, chúng ta suy nghĩ về Các Mác,“bộ não”vĩ đại của thế kỷ XIX, để hiểu rõ tầm vóc tư duy của bộ não lớn ấy của loài người nhằm hiểu sâu hơn những tác động ảnh hưởng của những tư tưởng lý luận của C.Mác đến thời đại của kinh tế tri thức và hội nhập toàn cầu.


Cho đến nay, theo chỗ tôi biết, thì vẫn chưa có được một tầm vóc khoa học nào vượt được thiên tài Các Mác. Chẳng thế mà có nhà khoa học không phải là cộng sản, với 30 năm nghiên cứu về C.Mác đã cho rằng “cả loài người hiện nay sống trong mặc cảm Mác, không thoát khỏi mặc cảm Mác”. Còn Jacques Derrida, tác giả của cuốn sách “Những bóng ma của Mác” (Spectres de Marx) thì tuyên bố cần phải trở về với Mác vì “không có tương lai nếu không có Mác, nếu không có di sản của Mác”. Vấn đề là nhìn nhận di sản ấy như thế nào. Đây không đơn thuần chỉ là vấn đề lý luận, mặc dầu đối với lý luận của chúng ta, hiểu thấu đáo di sản của C.Mác có ý nghĩa hết sức lớn lao.


Đây còn là vấn đề của thực tiễn. Mà thực tiễn thì cao hơn nhận thức lý luận vì nó có ưu điểm không những của tính phổ biến mà cả của tính hiện thực trực tiếp. Đối với chúng ta hiện nay, cần phải trang bị một nhận thức mới, không phải về lý tưởng mà về lý luận cách mạng, thực tiễn hoạt động và thực tế đời sống. Khi Báo cáo Chính trị tại Đại hội X nhận định :”Tư duy của Đảng trên một số lĩnh vực chậm đổi mới; một số vấn đề ở tầm quan điểm, chủ trương lớn chậm làm rõ nên chưa đạt được sự thống nhất cao về nhận thức và thiếu dứt khoát trong hoạch định chính sách , chỉ đạo, điều hành” thì rõ ràng ở đây là mối liên hệ biện chứng giưã lý luận và thực tiễn. Vì thế, “công tác tư tưởng còn nhiều bất cập và thiếu tính thuyết phục, tính chiến đấu. Công tác lý luận chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề quan trọng trong công cuộc đối mới” cũng là hệ quả của vấn đề trên.


Cho nên, chỉ ra việc đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là “nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”, Báo cáo Chính trị xác định rõ “Trước hết, phải nâng cao bản lĩnh và trình độ trí tuệ của Đảng, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng và phát triển sáng tạo trong thực tiễn hoạt động của Đảng”. Để có thể “vận dụng và phát triển sáng tạo trong thực tiễn hoạt động của Đảng” những tư tưởng lý luận của C.Mác, nhân kỷ niệm 188 năm ngày sinh của Người, mong rằng việc ôn lại đôi nét về di sản của Các Mác là một đóng góp nhỏ vào công việc lớn lao đó.


Nghị Quyết Đại Hội IX từng chỉ ra: “nhận thức trong chúng ta về chủ nghĩa xã hội tuy đã rõ hơn một bước so với mười năm trước, song chưa thật cụ thể, chưa phản ảnh đầy đủ những biến đổi của thực tiễn. Còn nhiều câu hỏi đặt ra mà công tác lý luận chưa có lời giải đáp hoặc giải đáp chưa đủ sức thuyết phục. Nhận thức của nhiều cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh còn giản đơn”. Nhận thức còn giản đơn có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân mà đồng chí Phạm Văn Đồng đã chỉ ra :“nếu định hướng chung không đủ rõ ràng và bản lĩnh cá nhân không vững chắc thì cũng dễ du nhập từ nước ngoài cả những điều sai lầm thậm chí là độc hại”(1).


Một trong những sai lầm thậm chí là độc hại đó chính là ”chủ nghĩa giáo điều phản Mác”. Chủ nghĩa giáo điều ấy khi du nhập vào một quốc gia qua một lớp người gọi là có học vấn, có “lý luận”, sẽ lan ra, chi phối từ người có chức, có quyền các cấp đến số đông dân cư. Thế rồi, từ tư duy, dần dần thấm vào tình cảm, tâm lý, thói quen và hành động ứng xử mọi mặt, có khi trở thành “tư duy chính thống quốc gia”, “tình cảm, tâm lý dân tộc”. Thế là, từ một học thuyết khoa học, chủ nghĩa Mác bị xuyên tạc, được dàn dựng như một thứ giáo điều, một thứ “bái vật giáo” và áp đặt một hệ tư duy sai lầm, thô thiển gây ngộ nhận cực kỳ tai hại. Thứ “chủ nghĩa giáo điều phản Mác “ ấy không hiểu được trong điều kiện lịch sử nào mà Ph.Angghen đưa ra khái niệm về “Chủ nghĩa Mác”, còn chính bản thân C. Mác, lúc sinh thời, không bao giờ tự cho rằng mình là người sáng lập ra một học thuyết là “chủ nghĩa Mác”, thậm chí ông nói rằng “ông không phải là người Mác xít”! Sự vĩ đại của nhà khoa học và là nhà cách mạng C.Mác thể hiện rõ ở điều ấy. *


Về sau này, do nhu cầu của cách mạng mà những đồng chí của C.Mác, trước hết là Ph.Angghen mới nói đến “Chủ nghĩa Mác” với tính cách là một học thuyết nhằm dẫn dắt sự nghiệp cách mạng. Khái niệm “chủ nghĩa Mác” ra đời là một đòi hỏi của lịch sử phong trào công nhân thế giới, trước hết là Châu Âu.


Chính vì vậy, để ôn lại đôi nét về di sản của Các Mác, cần nhắc lại đôi điều về tấm gương chói ngời trong nghiên cứu khoa học của Các Mác, về bản lĩnh trong nghiên cứu của một người khổng lồ của khoa học. Với con người khổng lồ đó, người ta hiểu ra rằng, C.Mác là con người mà sự sửa chữa đến nhanh hơn sự hình thành. Chưa kịp hình thành đã sửa chữa, bổ sung. Nếu theo dõi những điều C. Mác viết thì thấy rất rõ điều đó: luôn luôn trăn trở để nâng cao thêm , hoàn chỉnh thêm lý luận về học thuyết , không bao giờ tự cho rằng đã đạt tới mức tuyệt đỉnh tư duy lý luận của mình. Sự vĩ đại của nhà khoa học C.Mác trước hết là ở chỗ đó...


Đừng quên rằng ,bộ não thiên tài ấy phải tư duy và hoạt động trong một hoàn cảnh túng thiếu thường xuyên, mà chính sự túng thiếu đó đã làm mòn mỏi sức khỏe của C.Mác để cuối cùng quật ngã ông , khiến cho dự định của ông về một loạt những tác phẩm vẫn còn dở dang. Trong những dự định đó, có hai tác phẩm lớn mà những nhà nghiên cứu sau này hết sức tiếc là C.Mác đã không hoàn thành được. Đó là tác phẩm về “Biện chứng”. Tiếp nữa là tác phẩm về “Nhà nước”...


Đến giai đoạn “chín” nhất trong tư duy lý luận của mình, C.Mác đã nhiều lần viết cho Ph.Angghen dự định hoàn thành công trình lý luận của mình sẽ gồm 6 bộ phận : - Một là bộ “Tư bản”, -Hai là “Đất đai và sở hữu đất đai”-Ba là “Lao động làm thuê”-Bốn là “Nhà nước”-Năm là “Thương mại quốc tế” . Sáu là “Thị trường toàn cầu”.


Riêng về bộ “Tư bản” sẽ gồm 3 cuốn và cuốn thứ tư là về “Giá trị thặng dư”. Nhưng sinh thời C.Mác, ông chỉ bằng lòng cho xuất bản cuốn I mà thôi. Cuốn thứ II và thứ III thì ông vẫn còn tiếp tục suy nghĩ, sửa chữa trong cả gần 17 năm, trước khi mất vẫn không chịu cho xuất bản vì cảm thấy vẫn còn phải hoàn chỉnh, bổ sung.
Những người nghiên cứu về C.Mác sau này cho rằng, do diễn biến của cuộc sống, có những nhân tố mới, cuối đời C.Mác đã thấy, nhưng không kịp đi sâu nghiên cứu để từ đó rút ra chất lý luận mới, nhất là đã phát hiện ra những vấn đề về Mỹ, về Phương Đông, những vấn đề đó mở ra một chân trời lý luận mới nhưng ông chưa nghiên cứu được bao nhiêu vì không còn đủ thời gian.


Cuối đời, C.Mác cũng đã nhận ra được ý nghĩa cực kỳ to lớn của khoa học và công nghệ nhưng chưa kịp đủ điều kiện nghiên cứu để có thể chắt lọc từ đó hàm lượng lý luận cần thiết bổ sung cho công trình đã viết của mình. Điều quan trọng hơn cả là với C.Mác, bản chất của lý luận không bao giờ là hoàn chỉnh trọn vẹn cả. Tự cho mình đã đứng ở đỉnh cao của lý luận là tự giết chết tác phẩm khoa học. Nhắc đến những điều trên nhằm nhấn mạnh rằng, khi nằm xuống, C.Mác vẫn chưa hoàn thành được dự định của mình, sự nghiệp khoa học của C.Mác còn dở dang , đòi hỏi nhũng người kế tục sự nghiệp của ông phải biết chiếm lĩnh, kế thừa và phát triển.


Một điều cần phải suy ngẫm là, sinh thời, dòng tư duy của C.Mác luôn luôn vận động, luôn luôn đổi mới, phải tìm thấy sự vận động và đổi mới đó mới hiểu được vì sao C.Mác không ngần ngại sửa đổi những điều không còn phù hợp với điều kiện mới của cuộc sống. Xin nêu 3 ví du:Một là : “Tuyên Ngôn của Đảng Cộng sản”. Những nhà nghiên cứu về C.Mác có nhận xét rằng, trong các tác phẩm của C.Mác, chỉ có một tác phẩm là dễ hiểu và được phổ cập rộng rãi vì tính dễ hiểu ấy là “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”. Tuy nhiên, người ta cũng cho rằng, đứng về mặt lý luận thì “Tuyên Ngôn” chưa đạt được độ “chín” về tư tưởng lý luận của C.Mác, đó chưa phải là đỉnh cao tư duy lý luận của ông. Qua sơ thảo đề cương của chương ba còn giữ được cho thấy C.Mác không ngừng hoàn thiện kết cấu của “Tuyên ngôn”, cứ mỗi biến thể mới thì lại đòi hỏi đạt tới một sự cân đối hoàn chỉnh hơn. Và cũng cần lưu ý rằng, sinh thời C.Mác, “Tuyên ngôn” chỉ chính thức xuất bản không nhiều. Sau này, khi C.Mác đã mất, “Tuyên ngôn” mới được in hàng chục triệu cuốn, vì như Ph.Angghen tuyên bố ”trên một mức độ nào đó, lịch sử “Tuyên ngôn” phản ánh lịch sử của phong trào công nhân hiện đại từ năm 1848 đến nay (tức là năm 1890 )”, đến năm 1893, V.I Lênin đã dịch “Tuyên ngôn” ra tiếng Nga.


Lần xuất bản năm 1872, trong lời tựa viết cho bản tiếng Đức, Mác và Angghen đã lưu ý :”Ở đôi chỗ, có một vài chi tiết cần phải xem lại. Chính ngay “Tuyên ngôn” cũng đã giải thích rõ rằng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II. Đoạn này, ngày nay mà viết lại thì về nhiều mặt, cũng phải viết khác đi. Vì đại công nghiệp đã từng có những bước tiến hết sức lớn trong hai mươi lăm năm qua ...”(2). Bộ óc vĩ đại ấy vẫn không ngừng trăn trở để bổ sung và nâng cao chất lượng khoa học và không câu nệ khi cần phải sửa đổi.


Thứ hai : về khái niệm “chuyên chính vô sản”. Dưới ngòi bút của C.Mác, kể cả trong bản nháp, bản thảo viết tay và trong các tài liệu nội bộ không nhằm công bố ra, trong các bức thư viết cho anh em, bè bạn hoặc thư góp ý cho đồng chí của mình hiện còn lưu giữ được, thì tần số xuất hiện của thuật ngữ chuyên chính vô sản không đến mười lần. Vì theo C.Mác, “bản thân nền chuyên chính này chỉ là bước quá độ tiến tới thủ tiêu tất cả mọi giai cấp và tiến tới một xã hội không giai cấp”.”(3)


Bối cảnh ra đời của khái niệm này là giữa cuộc cách mạng Tháng 2 năm 1848 đến tháng 6.1848 thì bị phản cách mạng bóp chết, hoạt động cách mạng ở vào tình thế ẩn náu đợi chờ cao trào, mãi cho đến bốn năm sau mới kết luận được rằng tình thế cách mạng đã hết, chế độ tư bản đã bước qua giai đoạn khủng hoảng chu kỳ và lại bắt đầu giai đoạn phồn thịnh của nó. Từ đó, C.Mác và Ph. Angghen trong suốt hai mươi năm tiếp theo không dùng thuật ngữ chuyên chính vô sản nữa.


Nội dung của chuyên chính vô sản vào lúc mà C.Mác sử dụng lần đầu tiên làmột chiến lược cách mạng gồm 2 bước : một là chuyển từ chuyên chính của kẻ thù sang chuyên chính của đồng minh bao gồm giai cấp nông dân và “giai cấp trung đẳng”, thuật ngữ của C.Mác trong tác phẩm “Nội chiến ở Pháp”, làm thành chuyên chính của đồng minh chiến lược. Khi đã làm được cuộc chuyển đổi liên minh ấy rồi, trở thành đa số rồi, thì sẽ sang bước thứ hai là dùng con đường dân chủ, tự do đầu phiếu, lập ra chính phủ cách mạng và chế độ cách mạng.Và chiến lược đó đã không thực hiện được!


Lần thứ hai thuật ngữ “chuyên chính vô sản” được dùng là sau thất bại của Công xã Paris. Từ tổng kết sự thất bại đó, C.Mác nêu lên những bài học về vấn đề hình thành nhà nước kiểu mới của giai cấp vô sản, không giống với bất kỳ một hình thức nhà nước nào đã có trước đó, một hình thức nhà nước báo hiệu sự tiêu vong của nhà nước. Cần nhớ rằng “Công xã” tồn tại chỉ có 72 ngày. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ “Nội chiến ở Pháp” thì sẽ hiểu rõ chuyên chính vô sản theo quan niệm của C.Mác là một hình thức nhà nước cách mạng đã không còn thuần túy là nhà nước nữa mà đã nằm trong cái lôgich của nhà nước dần dần tự tiêu vong.


Như vậy có thể nói rằng khái niệm “chuyên chính vô sản” trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã chuyển đổi và mở rộng nội dung của nó ra với thời gian và diễn biến rất phức tạp mà việc nhận cho ra đâu là tư tưởng lý luận của chính C.Mác là điều có ý nghĩa thực tiễn lớn lao**.


Ví dụ thứ ba : vào gần cuối đời C.Mác, “Lời nói đầu viết cho bản cương lĩnh của Đảng Công nhân Pháp”viết vào đầu tháng 5 năm 1880 mà sau này những người nghiên cứu về C.Mác cho rằng đó là “Di chúc chính trị “ của ông, C.Mác không chỉ dùng thuật ngữ giai cấp vô sản mà còn dùng thuật ngữ “giai cấp những người sản xuất” trong câu “Xét thấy rằng giải phóng giai cấp những người sản xuất là giải phóng toàn thế giới...”.(4) Ba mươi năm trước, trong “Đấu tranh giai cấp ở Pháp. 1848-1850” viết năm 1850 C.Mác từng khẳng định rằng, chỉ bằng cuộc chiến đấu với kẻ địch đó mà đảng chủ trương lật đổ mới có thể trở thành một đảng thực sự cách mạng được.”...”Bất cứ một cuộc cách mạng nào cũng cần đến vấn đề tiệc tùng. Chế độ phổ thông đầu phiếu là vấn đề tiệc tùng của cuộc cách mạng mới...”.(5) Thế nhưng, sự vận động của thực tiễn đã khiến ông không ngần ngại vứt bỏ quan niệm cũ không còn phù hợp để viết rằng “do kết quả hành động cách mạng của giai cấp những người sản xuất – hay giai cấp vô sản- được tổ chức thành một chính đảng độc lập;...cần phải cố gắng để đạt được một tổ chức như vậy bằng mọi phương tiện mà giai cấp vô sản có được trong tay, kể cả quyền phổ thông đầu phiếu và như vậy là biến quyền này từ một công cụ lừa phỉnh như nó xưa nay vẫn thế thành một công cụ để giải phóng.”(6)


Nếu lại đối chiếu với luận điểm cho rằng : những cuộc bầu cử của giai cấp tư sản chẳng qua chỉ để ba năm một lần người dân được quyền bỏ phiếu cử ra những kẻ “ăn trên ngồi trốc” để thống trị mình thì mới thấy rõ cái ý của C.Mác : không, ở đây có thể biến cái phương tiện lừa bịp ấy của dân chủ tư sản để chuyển nó thành ra phương tiện giải phóng đích thực của “giai cấp sản xuất”. Và vì vậy mà “những người công nhân xã hội chủ nghĩa Pháp...đã quyết định việc tham gia bầu cử với cương lĩnh tối thiểu sau đây, coi đó là công cụ để tổ chức đấu tranh.” Người ta gọi tác phẩm này là “Di chúc chính trị” của C.Mác chính là vì lẽ đó. Tư tưởng chính trị ấy của C.Mác về sau này trở thành nền tảng của của tất cả các cương lĩnh của các đảng Xã hội Dân chủ Quốc tế II.


Dẫn ra ba ví dụ trên, để chỉ muốn nói lên dòng tư duy liên tục của bộ óc vĩ đại ấy. C.Mác không bao giờ tự cho phép mình dừng lại ở những kết luận khi mà dòng chảy của cuộc sống luôn luôn vận động. Nói “chưa kịp hoàn thành đã sửa chữa” là trên ý nghĩa ấy. Chính trên tinh thần đó mà chúng ta nghiên cứu , kế thừa một cách sáng tạo những thành tựu trí tuệ của C.Mác.


Từ năm 1927 đến năm 1935 ở Liên Xô xuất bản được 7 tập của C. Mác, mỗi tập 1000 trang , 1 tập riêng của Ph.Angghen và 4 tập thư từ trao đổi giữa C.Mác và Ph.Angghen, tổng cộng lại là 12 tập và gọi bộ xuất bản ấy là bộ “Mêga”. Sau khi J.Stalin mất,từ năm 1956 đến năm 1968, Viện Mác-Lênin Liên Xô và Viện Mác-Lênin Đông Đức xuất bản toàn tập Mác-Angghen gồm 39 tập và 2 tập phụ lục, nhưng thế vẫn chỉ là tuyển tập chứ chưa thể là toàn tập được vì còn thiếu rất nhiều. Rồi bắt đầu từ 1975, Viện Mác-Lênin Liên Xô và Viện Mác-Lênin Đông Đức phối hợp xuất bản toàn tập Mac-Angghen với dự định khoảng 100 tập gọi là bộ “Mêga” mới, nhưng chỉ mới đến tập thứ 50 thì LiênXô sụp đổ và việc xuất bản Toàn Tập Mac-Angghen phải dừng lại đấy.


Ở những nước tư bản thì toàn tập Mác-Angghen bằng tiếng Anh đã xuất bản 51 tập, ở Ý cũng dự định làm bộ “Mêga” mới, họ đang dịch và khi phát hành đầy đủ thì sẽ được một nửa trong dự định 100 tập, ở Pháp đã xuất bản 63 tập của C. Mác song cũng chưa phải là toàn tập C.Mác .Như thế có nghĩa là , cho đến hiện nay chưa có toàn tập C.Mác theo đúng nghĩa của nó. Hiện nay trên thế giới ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu về C.Mác, không chỉ của những người cộng sản, mà còn của rất nhiều những nhà khoa học không phải là cộng sản. Cần nhắc lại ở đây một câu nói của một nhà khoa học Mỹ, người đã được giải thưởng Nobel về kinh tế đại ý là “C.Mác là một nhân vật quá lớn khiến chúng tôi ở phương Tây không thể để dành riêng ông ấy cho những người cộng sản. Ông ấy không phải là của riêng những người cộng sản đâu vì ông ấy là một người khổng lồ của khoa học”. Rõ ràng là, bản chất lý luận của C.Mác không phải là một hệ thống lý luận đóng kín, bất di, bất dịch, mà là một hệ thống mở, cần phải được phát triển.


Muốn thật sự trung thành với học thuyết C.Mác thì phải có sáng tạo và biết vận dụng phù hợp với hoàn cảnh lịch sử mới.


Chủ nghĩa Mác không phải là một tôn giáo để cho các tín đồ tụng niệm hàng ngày nhằm cầu mong sự cứu rỗi, mà là một học thuyết khoa học đòi hỏi phải luôn luôn bám sát lấy cụôc sống, tìm nhựa sống từ trong cuộc sống thường xuyên vận động, thường xuyên đổi mới.


Di sản của C.Mác thật khổng lồ, và có thể nói cho đến hiện nay vẫn chưa khai thác hết . Vấn đề là, không phải mọi điều C.Mác viết ra cách đây gần hai thế kỷ đều đúng cả. Vậy đâu là tiêu chuẩn để nhìn nhận cần tiếp thu một cách sáng tạo cái gì, và cần phải bổ sung phát triển tư tưởng lý luận của C.Mác như thế nào?


Về điều này chúng ta đã có hai tấm gương tuyệt vời : V.I Lênin và Hồ Chí Minh!
Ai cũng biết rằng V.ILênin ít ra cũng đã hai lần không làm theo chỉ dẫn của C.Mác, một là không đợi cho điều kiện chín muồi của cách mạng vô sản trên nhiều nước công nghiệp phát triển cao với sự trưởng thành của phong trào công nhân quốc tế, mà tiến hành Cách Mạng Tháng 10 năm 1917 ở Nga, khâu yếu nhất trong mắt xích của hệ thống tư bản chủ nghĩa lúc ấy, có nghĩa là cách mạng chỉ nổ ra trong một nước. Hai là, thực hành chính sách kinh tế mới, làm sống lại kinh tế` thị trường với chế độ đa sở hữu, kể cả phú nông và tư sản thành thị. Mà kết quả thì như chúng ta đã biết.


Người ta cũng đã từng tranh luận, như vậy thì V.I Lênin phản lại C.Mác hay trung thành với Mác? Và thực tiễn đã đưa ra lời giải đáp.


Với Hồ Chí Minh, một ví dụ thật sống động mà những người có hiểu biết chút ít về lịch sử cách mạng Việt Nam đều có thể hiểu rõ. Chính ở đây chúng ta cảm nhận được tầm mắt và bản lĩnh của Hồ Chí Minh. Từ những năm 1924, Người đã biết “tùy theo hoàn cảnh lịch sử” để vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng lý luận của C.Mác trong điều kiện của nước mình, nơi mà “cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây. Vì thế Nguời cho rằng :”Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không có được “. Người lập luận : “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử , nhưng lịch sử nào ? Lịch sử châu Âu . Mà châu Âu là gì ? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại .” Vì thế , Người đòi hỏi phải biết” xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông “(7) Chính với tầm mắt và bản lĩnh ấy mà Nguyễn Ái Quốc đã trở thành Hồ Chí Minh !***


Trong thời đại của chúng ta đang sống “những tư liệu mà Mác ở thời mình không có được” đang tuôn trào như suối, thậm chí đang biến đổi với một tốc độ không lường trước được. Chúng ta hiểu vì sao mà C.Mác đòi hỏi thế hệ đi sau phải “đứng trên vai” chứ không phải “quỳ dưới chân” những người đi trước để tầm mắt có thể phóng xa hơn, trí tuệ có thể trải rộng hơn trong một thời đại mà biến đổi là hằng số của cuộc sống.


Cách đây 10 năm, nhân đến dự một Hội thảo khoa học tại ĐH Trier, thành phố quê hương của C.Mác, tôi có may mắn đến thăm nhà bảo tàng C.Mác nằm bên bờ sông Mosel. Đứng lặng bên những trang bản thảo chi chít những dòng chữ ghi chú, thêm bớt hoặc gạch bỏ, tôi xúc động nghĩ đến sức nặng của những dòng chữ ấy trong hành trình của con người đi tìm chân lý. Cảm xúc ấy vẫn nguyên vẹn khi tôi viết những dòng này.


Trí tuệ của C.Mác đang chắp cánh cho chúng ta.


GS Tương Lai
Chú thích:
1. Phạm Văn Đồng. “Văn hoá và Đổi mới”. NXBCTQG. 1974, tr.362. C.Mác & Ph,Angghen Toàn tập . Tập 28, NXBCTQG tr 661,6623. C.Mác & Ph,Angghen Toàn tập . Tập 19. NXBCTQG tr.3534. C.Mác & Ph,Angghen Toàn tập . Tập 17. NXBCTQG tr. 454, 4555. C.Mác & Ph,Angghen Toàn tập . Tập 7. NXBCTQG tr.1326. C.Mác & Ph,Angghen Toàn tập . Tập 19. NXBCTQG tr. 3537. Hồ Chí Minh Toàn Tập. Tập I. NXBCTQG.1995, tr.465Xem .Tương Lai. Tạp Chí Cộng Sản. Số 16 tháng 8 .2001, tr. 21** Xem Tương Lai. “Từ chuyên chính vô sản…“NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN”18.1.2006*** Xem Tương Lai. “Nghĩ về tư tưởng Hồ chí minh” “NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN” ngày 3.2.2006

No comments: