Wednesday, April 11, 2007

Chuyện thú vị về trí nhớ của các thiên tài


Tại sao một số người có thể khai căn bậc hai của một số có 10 chữ số trong vài giây nhưng không có phát minh nào cả và bị lịch sử lãng quên, còn những người khác nổi tiếng về đãng trí lại được lưu danh như những bậc thiên tài?

Lịch sử đã ghi lại nhiều người có trí nhớ đặc biệt. Trường hợp đầu tiên được ghi nhận là vào năm 1664 ở Italia, nhà thám hiểm Baltaza đã gặp cậu bé Matheus le Cok, mặc dù mới 8 tuổi, không biết đọc, biết viết nhưng cậu bé có thể nhân nhẩm chính xác các số có 5 - 6 chữ số và khai căn bậc hai, bậc ba. Cậu bé kể rằng cậu học cách tính nhẩm trong khi chơi với các chuỗi hạt cườm. Những năm 1970, một người Nga tên là Evgeny Ivanikhin bị liệt phải ngồi xe đẩy chỉ cần 3 giây để đọc và nhớ 1 trang sách. Những năm 1980, cả Liên Xô đều biết đến phóng viên Solomon Shereshevsky vì ông có thể dễ dàng nhớ một dãy 70 chữ số và đọc lại chính xác theo trình tự xuôi và ngược. Những người này, ngoài trí nhớ đặc biệt đó đã không để lại dấu ấn gì trong khoa học, nghệ thuật... và bị lãng quên. Các nhà nghiên cứu cho rằng trí nhớ của các thiên tài làm việc theo một nguyên tắc khác, có chọn lọc.

Các thiên tài có khả năng nhớ vô thức. Thông tin được ghi lại vô thức trong não. Khi nào trong công việc mà cần đến những thông tin đó, chúng tự động sống dậy, gợi nhớ cho chủ nhân. Thông tin này thường liên quan đến công việc của họ. Trong khi thông tin về những việc vặt trong cuộc sống thì thường bị lãng quên. Vua hề Chalie Chaplin chỉ cần ngó qua phòng hóa trang bừa bộn trăm thứ đạo cụ là để ý đến ngay 3 vật: cái mũ ống, áo đuôi tôm và ba toong. Ông chỉ nhớ đến chúng khi chuẩn bị vai diễn và ông biết ngay sẽ tìm được chúng ở đâu. Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte (1769 - 1821) và Alexander Đại đế (356 - 323 tr.CN) của Macedonia có thể nhớ tên tất cả binh sĩ của mình - khoảng 30 nghìn người.
Nhà triết học Hi Lạp Socrates (470 - 399 tr. CN) nhớ mặt toàn bộ 20 nghìn dân Athens. Hai nhà soạn nhạc vĩ đại W.A. Mozart (1756 - 1791) và Dmitry Shostakovich (1906 - 1975) có thể nghe một lần rồi chơi lại bản nhạc. Đại kiện tướng cờ vua Nga Aleksandr Alekhin (1892 - 1946) chơi cùng một lúc với 40 người mà không cần nhìn vào các bàn cờ.
Ngược lại, người sáng lập ra ngành tự động học Norbert Viner (1894 - 1964), ngày đầu tiên khi chuyển sang nhà mới, hết giờ làm ông vẫn về nhà cũ và gặp cô con gái ở đó và được cô dẫn về nhà mới. Thì ra bà mẹ biết tính ông chồng mình sẽ quên nên cử cô con gái chờ bố ở nhà cũ.
Vua hề Chalie Chaplin mặc dù nhớ rất tốt các đạo cụ của mình để ở đâu nhưng không nhớ nổi tên người thư ký đã làm việc cùng mình 7 năm. Danh họa Picasso thường đánh dấu các sự kiện quan trọng bằng một vật nào đó, ví dụ như một mảnh cốc vỡ, chiếc khăn tay, chiếc lược gãy... Chỉ khi cầm vật đó trong tay ông mới nhớ ra được các sự kiện có liên quan đến vật này.

No comments: