Lênin, lãnh tụ thiên tài của Đảng Cộng sản, nhân dân Liên Xô và phong trào công nhân thế giới. Việc nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của Người đã được Đảng Cộng sản Liên Xô rất chú trọng.
Mới đây, nhà sử học Đức Iohen Rikhter cho ra mắt bạn đọc cuốn sách "Chủng tộc, đẳng cấp và cảm hứng" ghi chép về bệnh sử Lênin và quá trình nghiên cứu bộ não của Người qua các tài liệu đã được các bác sĩ người Đức nghiên cứu tỉ mỉ trong hơn một thập kỷ.
Sức khỏe Lênin đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau những căng thẳng trong cuộc cách mạng và nội chiến. Vụ ám sát Người càng làm tình trạng thêm tồi tệ. Viên đạn vẫn nằm trong cổ Lênin, quá gần xương sống khó có thể lấy ra trong tình trạng kỹ thuật y tế thời ấy. Tháng 5/1922, Lênin bị đột quị lần đầu tiên. Người bị tê liệt nửa người bên phải và phải giảm bớt cường độ làm việc. Sau vụ đột quị thứ hai vào tháng 12 năm ấy, Lênin hầu như phải từ bỏ các hoạt động chính trị. Tháng 3/1923, Người bị đột quị lần thứ ba và phải nằm liệt giường, thậm chí không thể nói được. Sau lần đột quị đầu tiên, Lênin đã đọc cho thư ký ghi lại một số tài liệu về chính phủ và về phu nhân của Người. Nổi tiếng nhất trong số đó là bản Di chúc của Lênin, về một số quan điểm phát triển kinh tế xã hội, xây dựng đội ngũ lãnh đạo ở Liên Xô. Lênin mất ngày 21/1/1924, ở tuổi 53. Lý do chính thức dẫn tới cái chết của Người là xơ cứng động mạch não, hay cơn đột quị lần thứ tư do viên đạn vẫn còn nằm trong cổ Người sau vụ ám sát gây ra.
Sau khi Lênin qua đời, bác sĩ người Đức Oscar Vogt nhận được một lá thư của bác sĩ thần kinh hàng đầu của Nga Lazar Minor, thông báo rằng một hội đồng chuyên môn được thành lập và thảo luận kế hoạch nghiên cứu bộ não của Lênin và đưa ra các chứng cứ khoa học về thiên tài của Người. Truyền thống nghiên cứu não của các thiên tài sau khi họ qua đời đã có từ lâu.
Năm 1798, bác sĩ người Áo Franz Iosef Gall đã tuyên bố trí thông minh của con người có liên quan trực tiếp đến kích thước của não bộ và thậm chí cả hình dạng và cấu trúc sọ. Theo Gall, các vùng điều khiển khả năng nhận biết nằm ở vùng não trước, còn vùng phản xạ - ở não sau. Một trong các nhà khoa học thành công nhất trong lĩnh vực này đầu thế kỷ XX là Oscar Vogt (1870-1959). Năm 1898, bác sĩ trẻ nhưng đã rất nổi tiếng này nhận được tài trợ của Fridrikh Alfred Krupp, một đại gia ngành thép của Đức, để thành lập một trung tâm nghiên cứu thần kinh ở Berlin (đó là tiền thân của Viện Sinh học Thần kinh Berlin).
Công việc nghiên cứu của Vogt có sự hỗ trợ của các nhà di truyền học. Sau cái chết của Lênin, nhà khoa học Đức bị đặt trước một nhiệm vụ kép: Thứ nhất, phải chứng tỏ được rằng Lênin tỉnh táo và minh mẫn cho đến lúc qua đời; và thứ hai, không kém phần quan trọng – Lênin không phải là người bình thường. Đó là một thiên tài. Người ta muốn tìm ra điểm đặc biệt khác người của bộ não thiên tài ấy. Vogt ban đầu thoáng chần chừ. Nhưng ông đã quyết định, thậm chí dần dần cảm thấy hào hứng, sau khi nhận được thư của đồng nghiệp Otfrid Ferster gợi ý có thể vận động Bộ trưởng Y tế Semashko và em gái Lênin chuyển bộ não của Người về Berlin. Tất nhiên, Vogt không phải là ứng cử viên duy nhất cho nhiệm vụ này. Nhưng quyết định cuối cùng có lợi cho ông không chỉ nhờ uy tín chuyên môn. Ông còn được sự ủng hộ của các chính trị gia của cả Liên Xô và Đức.
Tháng 1/1925, Vogt đến Moskva, và phiên họp đầu tiên của Hội đồng Y khoa với sự tham gia của các nhà thần kinh học Xôviết L.Minor, V.Kramer, nhà nhân chủng học V.Bunak, nhà bệnh lý học A.Abrikosov và những người khác đã khẳng định “có thể chứng minh thiên tài của Lênin bằng các bằng chứng cụ thể”. Ngay giai đoạn đầu tiên là có thể làm rõ các khác biệt trong cấu trúc não của Lênin. Họ sẽ so sánh não Lênin với não những người khác, và trên cơ sở các số liệu dựng lên chân dung trí tuệ của Người.
Tuy nhiên, theo Vogt, ở Moskva không có đủ các công cụ, hóa chất và chuyên viên cần thiết cho công việc, thế nên ông đề nghị chuyển bộ não của Lênin về Berlin. Nhưng Bộ Chính trị đảng Cộng sản Liên Xô quyết định không đồng ý. Vì thế, Cecil Vogt và Margareth Vurlke được gọi sang Moskva, mang theo hàng tạ máy móc. Công việc được đặt dưới sự chỉ đạo của Vogt, được ghi rõ trong hợp đồng: “Giáo sư Vogt sẽ báo cáo về quá trình tiến hành công việc, báo cáo với Hội đồng về các thời điểm ông phải có mặt ở Moskva”. Thời hạn của công việc không được chỉ rõ, dường như người ta đã lường trước được công việc có thể phải kéo dài nhiều năm. Vogt bắt đầu công việc từ bán cầu não phải, bởi đây chính là phần ít bị bệnh tật phá hủy. Ông xin toàn bộ y bạ và bệnh sử cùng với tiểu sử của Người để “nghiên cứu toàn diện nhân cách”. Đối với Liên Xô, hợp đồng được ký kết với Vogt cũng đồng nghĩa với việc chuyên khoa não của đất nước này tiếp cận với kỹ thuật đỉnh cao của thế giới.
Ngày 12/11/1927, Viện Não - một trong những cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu của Liên Xô, được thành lập tại Bolsoi Yakimank vùng Zamoscvorechie, theo đúng mô hình Viện Não ở Berlin và Giám đốc đầu tiên của viện là Vogt. Tại đây, người ta tiến hành việc nghiên cứu não của những người xuất chúng, và so sánh cấu trúc não của các chủng tộc người khác nhau. Ngay tại buổi lễ thành lập Viện, Vogt đã báo cáo những kết quả nghiên cứu đầu tiên. Sau hai năm rưỡi, công trình nghiên cứu đã có kết quả: “Đã hình thành bức tranh rõ rệt về sự khác biệt trong cấu trúc não Lênin và não người bình thường". Trong não Lênin, các tế bào hình kim tự tháp phát triển mạnh hơn, số lượng các sợi liên tưởng liên kết chúng cũng nhiều hơn”, và như Vogt kết luận, “cơ sở vật chất” của bộ não Lênin “giàu hơn một cách rõ ràng” và khả năng liên tưởng của Người phát triển một cách khác thường.
Báo Pravda đã đăng ngay một bài lớn, cho rằng vị giáo sư Đức đã giải thích được câu hỏi về thiên tài của Lênin, khả năng định hướng, đưa ra quyết định và hành động của Người trong các tình huống phức tạp. Tuy nhiên, đó là những kết luận ban đầu, bởi phần lớn các mẫu mô trong não của Lênin chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Dù sao, khi công bố các kết quả đầu tiên này, ông vẫn khẳng định việc phân tích chi tiết hơn sẽ được tiếp tục. Hai năm sau, vào ngày 10/11/1929, Vogt đưa ra bản báo cáo chính thức đầu tiên về bộ não Lênin.
Vào thời điểm đó, trong bộ sưu tập não được lưu tại Viện, ngoài bộ não của Lênin, còn có khoảng 30 bộ não của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và 39 bộ não của người các dân tộc khác nhau. Việc nghiên cứu những bộ não này sẽ trả lời câu hỏi, liệu các đặc điểm chủng tộc có ảnh hưởng đến cấu trúc não hay không? Và người ta đã thu được câu trả lời phủ định câu hỏi này.
Tuy vậy, việc nghiên cứu tỉ mỉ não Lênin cho thấy Người có một bộ não thật sự khác người với các tế bào hình kim tự tháp có kích thước lớn chưa từng thấy, số lượng của chúng cũng nhiều hơn não người bình thường một cách đáng kể.
Năm 1967, tập thể Viện Não đã chuẩn bị công bố cuốn sách “Não Lênin - nghiên cứu tế bào và cấu trúc”, nhưng việc công bố toàn bộ nội dung cuốn sách chưa thành hiện thực. Mãi đến năm 1993, một phần rất nhỏ của nó mới được tiết lộ trong 2 bài viết thuộc tuyển tập “Những thành tựu sinh lý học”. Tới lúc đó thì quan điểm về ảnh hưởng của cấu trúc não lên trí thông minh hay thiên tài của con người đã thay đổi. Khoa học đã tiến những bước dài trong lĩnh vực này và hầu như được thấy một cách trực quan quá trình hình thành ý nghĩ trong não người.
Tổng hợp từ báo chí Nga, CAND.com.vn
No comments:
Post a Comment